LÝ THUYẾT THÙNG GỖ – WOODEN BARREL THEORY

KEY SUCCESS FACTOR

Cái thùng nước này, có thanh gỗ ngắn có thanh gỗ dài. Nếu mình khắc phục hết những chỗ thanh gỗ ngắn thì quá tốt, nhưng nếu trong 1 giới hạn nguồn lực nhất định, thì mình sẽ cần ưu tiên ngay chỗ thanh gỗ ngắn nhất trước. Bởi vì có lo khắc phục những chỗ thanh gỗ ngắn khác thì nước vẫn sẽ tràn qua chỗ có thanh gỗ ngắn nhất. Đây là lý thuyết thùng gỗ (wooden barrel theory).

Nói cách khác, nếu mình phân tán nguồn lực vào những việc không phải là key success factor, thì hiệu quả sẽ không cao. Cho nên việc trước tiên là phải tìm ra được điểm chí mạng này (key success factor – KSF – có nơi còn gọi là critical success factor – CSF). Đây là mấu chốt quan trọng nhất vì nếu không xác định đúng KSF/CSF, giải pháp gì đi nữa chỉ là lãng phí thời gian.

VỀ GIẢI PHÁP

Thanh gỗ ngắn có thể xem là điểm yếu chí mạng của bản thân (cá nhân hoặc doanh nghiệp). Tuy nhiên, đôi khi người ta giẫm chân vào lối mòn khi tìm cách khắc phục điểm yếu này. Lối mòn đó là tìm cách “kéo dài thanh gỗ” ra, tức là phát triển bản thân, rèn luyện thay đổi tập trung vào sở đoản. Việc này không phải không tốt, nhưng đôi khi có những sở đoản không dễ thay đổi, mất nhiều thời gian, đi ngược lại với tố chất của bản thân. Có những người họ có tố chất, nhưng vì môi trường trước đây khiến cho tố chất đó không phát huy được mà thành sở đoản, khi đã nhận ra rồi thì họ có thể thay đổi phát triển sở đoản một cách dễ dàng. Nhưng với nhiều người thì việc thay đổi sở đoản phải trả cái giá không hề nhỏ.

Một số giải pháp khác để giải quyết các sở đoản này:

Sử dụng nguồn lực sẵn có, tận dụng sở trường để khắc phục sở đoản. 

Đôi khi mình không nhất thiết phải thay đổi sở đoản. Vấn đề vẫn có thể được giải quyết bởi các sở trường đang có của bản thân. Ví dụ bạn mạnh về kỹ thuật nhưng vì lý do gì đó phải đi sales, bạn không giao tiếp tốt, nhưng bạn có thể dùng cái chân thành và chuyên nghiệp của một người kỹ thuật để tạo lòng tin nơi khách hàng, từ đó khách hàng chấp nhận và tìm đến sản phẩm của mình.

Đối với cái thùng gỗ thì cưa bớt các thanh gỗ dài và lắp vào chỗ bị ngắn là một giải pháp tận dụng nguồn lực có sẵn như thế. Hoặc đơn giản hơn nếu không có thời gian để cưa thì ta nghiêng thùng gỗ để đựng được nhiều nước hơn. Muốn nghiêng mà tối đa hóa hiệu quả thì ta sắp xếp các thanh gỗ lại theo thứ tự dài ngắn.

Đối với doanh nghiệp thì đơn giản hơn, chúng ta là một tập thể, hãy để mỗi người phát huy đúng sở trường của mình ở lĩnh vực phù hợp, sẽ cover được sở đoản của nhau.

Biến sở đoản thành sở trường

Cái này đòi hỏi level tư duy cao hơn chút, và phụ thuộc vào việc chúng ta có muốn / có thể thay đổi mục tiêu hay không. Có một số sở đoản ở lĩnh vực này thực ra lại là sở trường ở lĩnh vực khác. Bằng việc tập trung vào một mục tiêu không phù hợp với bản thân sẽ khiến bản thân bị giới hạn. Thay vào đó ta tập trung vào mục tiêu phù hợp hơn. 

Trong võ học thì người cao lớn mạnh khỏe giỏi đánh cương, giữ khoảng cách dùng sức mạnh và chiều cao để áp đảo đối thủ. Ngược lại người thấp bé nhẹ cân có thể dùng lối đánh nhu, ưu thế về tốc độ, tiếp cận áp sát sử dụng các thế vật tấn công vào trọng tâm đối thủ để hạ gục đối thủ. Lúc này cao lớn lại trở thành điểm yếu vì trọng tâm cao, dễ bị mất thăng bằng hơn, chậm chạp hơn. Thắng thua lúc này phụ thuộc vào việc ai tận dụng tốt ưu thế của mình hơn.

Người cầu toàn nhược điểm là chậm chạp, nên tận dụng ở hậu phương, làm ở các khâu hoàn thiện cuối cùng (polishing, QC check, review,…) sẽ tận dụng được đặc điểm của mình. Ngược lại, người cẩu thả thì cần học cách xác định nặng nhẹ, điểm trọng yếu, để kéo team đi nhanh về trước, có những việc không cần phải tối ưu perfect nhưng vẫn có thể đem lại kết quả trọng yếu. 

Tóm lại, cái quan trọng nhất là xác định đúng KSF/CSF để không lãng phí nguồn lực và thời gian. Giải pháp thì tùy hoàn cảnh, còn sở trường và sở đoản chỉ là 1 quan điểm, phụ thuộc vào góc nhìn của bản thân.

Văn

Leave a Reply